Đặc điểm và giá trị của dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh
Đặc điểm và giá trị của dừa sáp Cầu Kè - Trà Vinh
Để có thêm thông tin khoa học về dừa sáp Trà Vinh,Dừa Sáp Đặc Sản xin giới thiệu bài viết của ThS. Phạm Thị Tố Thy và CN. Nguyễn Đình Chiểu - Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh.
Bài viết được thực hiện dựa trên chuyến điền dã tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vào tháng 7 năm 2015, khảo sát vườn dừa Sáp tại xã Hòa Tân, và phỏng vấn một số hộ nông dân trồng dừa Sáp, trong đó phỏng vấn sâu ông Thạch Em, 54 tuổi, ngụ tại ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè.
Trên cơ sở nghiên cứu dữ liệu thu thập được, có so sánh, đối chiếu với dữ liệu về cây dừa Sáp - Macapuno của Philippines, người viết trình bày nguồn gốc và đặc điểm của cây dừa Sáp Cầu Kè, trong đó chú ý phân tích đặc điểm “kén đất, hiếm quả” của loại dừa đặc thù này. Bài viết cũng hướng tới phân tích những giá trị của cây dừa Sáp đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và du lịch nhằm phát triển cây dừa Sáp bền vững trong tương lai.
1. Dẫn nhập
Trà Vinh là một tỉnh ven biến thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm xuôi theo phía hạ lưu giữa sông Tiền và sông Hậu, có chiều dài bờ biển 65km, là vùng đất mưa thuận, gió hòa, nhiệt độ trung bình từ 26 - 27O C1. Huyện Cầu Kè nằm về phía Tây của tỉnh Trà Vinh, thuộc tả ngạn sông Hậu, quanh năm được nguồn nước từ sông Mê Kông đổ về mang theo phù sa bồi đắp, thuận lợi cho trồng cây lúa và các loại cây ăn trái. Đây là vùng đất nổi tiếng với những vườn cây trĩu quả, những lễ hội dân gian đặc sắc và những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo ẩn mình dưới hàng cây cổ thụ kêu gọi khách phương xa khám phá. Từ năm 2005 trở lại đây, đến tham quan vùng đất Cầu Kè, du khách có thêm cơ hội tìm hiểu, thưởng thức một loại trái cây đặc sản - dừa Sáp. Dừa Sáp thu hút khách thập phương không chỉ bởi tên gọi “là lạ”, mà còn vì sự quý hiếm, vì giá bán đắt đỏ, và quan trọng hơn là vì hương vị độc đáo, “lạ miệng” của cơm và nước dừa Sáp. Lần đầu tiên tiếp xúc trái dừa Sáp Cầu Kè, du khách không khỏi lấy làm lạ khi thấy nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm ngàn đồng để mua một trái dừa trông không khác gì so với trái dừa thường.
Với mong muốn tìm câu trả lời thỏa đáng cho hiện tượng “Dừa Sáp” trên mảnh đất quê hương, chúng tôi đã thực hiện chuyến điền dã tại Cầu Kè vào tháng 7/2014, khảo sát vườn dừa Sáp tại xã Hòa Tân, và phỏng vấn một số hộ nông dân trồng dừa Sáp, trong đó phỏng vấn sâu ông Thạch Em, 54 tuổi, ngụ tại ấp Chông Nô 2 thuộc xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè - một nông dân trồng dừa Sáp lâu năm và được tập huấn khá nhiều về kĩ thuật trồng loại dừa này trong vùng. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích dữ liệu thu thập được, tham luận hướng tới giới thiệu nguồn gốc và đặc điểm của cây dừa Sáp Cầu Kè, đồng thời phân tích những giá trị của loại dừa đặc thù đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.
2. Nội dung
2.1. Nguồn gốc cây dừa Sáp Cầu Kè - Trà Vinh
Dừa Sáp có tên khoa học là Makapuno (hay Macapuno), thuộc họ nhà Cau2. Tìm hiểu nguồn gốc dừa Sáp Cầu Kè, chúng tôi hỏi thăm bà con có trồng dừa Sáp tại đây thì nhận được câu trả lời chung chung là nghe nói mang về từ Campuchia, nhưng cũng có vài trường hợp người dân cho là có xuất xứ từ Philippines. Chúng tôi xác nhận lại thông tin từ ông Thạch Em, ông cho biết cụ thể như sau: cách đây hơn nửa thế kỉ, một vị Sư Khmer tên là Thạch Miêl, khi du học tại Campuchia, đã được một người bạn học giới thiệu loại dừa đặc biệt và tặng giống mang về Việt Nam trồng. Khi trở về quê, Sư Miêl đem trồng trong khuôn viên chùa Mới (tức chùa Kompong Spenl) thuộc thị trấn Cầu Kè ngày nay. Bẵng đi thời gian, cây dừa được tặng năm nào bắt đầu cho trái, bổ trái ra dùng thì thấy cơm dừa đặc sệt, khác thường như người bạn học đã mô tả. Ngạc nhiên trước giống dừa lạ, các vị Sư chùa Mới tìm cách nhân giống, những trái dừa giống đầu tiên được tặng cho Ban Quản trị chùa và các phật tử của chùa, sau đó phổ biến đến những người trong vùng có quan tâm giống dừa này. Hỏi thêm thông tin tại sao có tên dừa Sáp, ông Em cười trả lời rằng tên này xuất phát từ chính đặc điểm độc đáo của dừa. Cơm dừa trộn lẫn nước dừa sền sệt tạo thành hợp chất trông như sáp của cây đèn cầy nên dân gian gọi là dừa Sáp. Như vậy, chính xác dừa Sáp Cầu Kè có xuất xứ từ đâu? Hầu như không cư dân nào ở Cầu Kè khẳng định cụ thể nguồn gốc của loại dừa rất đặc thù này.
Tìm hiểu sâu hơn nguồn gốc dừa Sáp - Macapuno (Makapuno) tại các vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng tôi tiếp cận quyển Từ điển Bách khoa Toàn thư về Quả và Hạt (The Encyclopedia of Fruits and Nuts)3 do Jules Janick và Robert E. Paul biên soạn. Trong khoảng 150 từ, Từ điển đã giới thiệu Macapuno – xuất xứ từ Philippines4 (nguyên văn là “the Philippine macapuno”) – là một trong những loại dừa hấp dẫn nhất bởi độ tươi ngon, đặc và dẻo của cơm dừa. Quyển sáchcũng cung cấp thêm, trước đây đã từng có một số công trình khoa học nghiên cứu về Macapuno tại các nước trên thế giới, theo đó từng quốc gia có tên gọi riêng cho loại dừa này. Ở Ấn ĐộMacapuno được gọi là “Thairu thengai”, Sri Lanka là “Dikiri”, hay “Maphra Kathi” ở Thái Lan, “Korpyor” ở Indonesia và tại Việt Nam gọi là “Dừa đặc ruột”. Bên cạnh đó, người Campuchia gọi Macapuno là “Doang Kati”. Ở Philippines, Macapuno, còn được gọi là coconut sport hay mutant coconut, từ lâu đã được đầu tư nghiên cứu và phát triển. Trung tâm Nghiên cứu Albay5 (Albay Research Center), trực thuộc Cục Quản lí Dừa Philippines (Philippine Coconut Authority)6, là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nghiên cứu, nhân giống và trồng cây dừa Sáp trên diện rộng. Hiện nay, Macapuno được bán rộng rãi tại các cửa hàng trái cây của Philippinestrên khắp thế giới.
Như vậy, cơ bản bước đầu khẳng định, dừa Sáp hay dừa đặc ruột có nguồn gốc từ Philippines. Tên gọi Macapuno của người Philippines dành cho loại dừa này được lấy làm tên khoa học cũng góp thêm minh chứng củng cố khẳng định trên. Nói rõ hơn, “puno” trong Macapuno có gốc từ tiếng Tanalog, một trong những ngôn ngữ chính của Philippines, có nghĩa là đầy, không có không gian trống7. Trong quá trình di cư, giao lưu giữa các tộc người, giữa các quốc gia, Macapuno của Philippines đã du nhập đến nhiều nước trên thế giới bằng nhiều con đường khác nhau. Tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Macapuno - dừa Sáp được du nhập qua con đường trung gian từ Cambodia, thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, đơm hoa kết trái, tạo nên thứ quả đặc thù, mang đến cho cư dân trong vùng nhiều lợi ích thiết thực.
2.2. Đặc điểm dừa Sáp Trà Vinh
Huyện Cầu Kè có tổng cộng 383.020 cây dừa, trong đó có 22.268 cây dừa Sáp, đang cho trái 3.340 cây8, trong đó vùng chuyên canh dừa Sáp Hòa Tân có khoảng18.000 cây, chiếm 80% toàn huyện. Đặc điểm chung của cây dừa Sáp, từ đó làm nên tính quý hiếm, đắt đỏ của loại dừa này, chính là tính kén đất, hiếm quả. Trước đây, không phải vùng đất nào ở nước ta cũng trồng được cây dừa Sáp, chỉ riêng Trà Vinh, đặc biệt tại huyện Cầu Kè - nơi khởi phát cây dừa Sáp ở Việt Nam - là trồng được loại dừa này. Tuy nhiên, đến khi trổ buồng ra trái thì không phải cây dừa Sáp nào cũng cho trái dừa đặc ruột, thực tế mỗi buồng dừa Sáp trồng tại Cầu Kè chỉ được vài trái đặc ruột với tỉ lệ trung bình là 25%9, còn lại là trái bình thường. Đặc điểm này không chỉ riêng có đối với dừa Sáp ở Việt Nam, cây dừa Sáp trồng tại Philippines cũng có hiện tượng tương tự, với tỉ lệ đạt Sáp ở từng cây không cao, “gieo trái giống Macapuno nhưng không chắc sẽ thu hoạch được Macapuno”10.
Về đặc điểm hình thái thân, lá và tàu lá của dừa Sáp, hầu như không có sự khác biệt rõ rệt với dừa thường. Theo ThS. Trương Quốc Ánh, một số nông dân kinh nghiệm cho rằng “những cây dừa mang quả sáp có lá chét nhỏ hơn, số lá chét nhiều hơn và lá bóng bẩy hơn, cũng như việc sắp xếp của lá trên cây cũng khít hơn so với cây dừa thường”11, tuy nhiên kết quả kiểm chứng chỉ ra rằng “kinh nghiệm nhận dạng cây dừa Sáp không hoàn toàn chính xác mà theo cảm quan và do người nhận dạng biết trước được cây dừa đó mang quả Sáp chứ không nhờ vào những đặc điểm chỉ thị để nhận dạng như đã nêu trên”. Bên cạnh đó, ông Thạch Em cho biết thêm, tuổi đời sinh trưởng, quy trình phát triển, số lượng trái của dừa Sáp hoàn toàn giống với các giống dừa bình thường. Thời gian trưởng thành là từ 1 – 3 năm, năm thứ ba sẽ có lưỡi mèo, từ lưỡi mèo đến khi trái có thể cho sáp và thu hoạch là khoảng trên dưới 10 tháng. Khoảng thời gian này hoàn toàn trùng khớp với thời gian sinh trưởng của một giống dừa bình thường. Như vậy, để nhận dạng dừa Sáp và dừa không Sáp, người mua không thể dựa vào đặc điểm hình thái của cây dừa.
Về trái dừa Sáp, cơ bản phân thành 05 loại: trái tròn, trái dài, trái có cạnh, trái vỏ xanh và trái vỏ vàng. Nếu chỉ nhìn hình dạng và màu sắc bên ngoài của trái thì cũng sẽ không phân biệt được dừa Sáp và dừa thường. Cách duy nhất để nhận dạng trái dừa đặc ruột là lắc trái dừa khi già. Ông Em cho biết cách xác định này có độ chính xác khá cao, đối với những người có kinh nghiệm thì mức độ chính xác gần như là tuyệt đối. ThS. Trương Quốc Ánh khẳng định thêm, “ở giai đoạn trước 10 tháng tuổi cũng không thể phân biệt được quả dừa Sáp và quả thường. Tuy nhiên, sau 10 tháng tuổi bằng cách lắc quả có thể phân biệt được quả dừa Sáp với quả thường. Ở quả Sáp khi lắc nghe tiếng đục và nặng, trong khi ở quả bình thường khi lắc nghe âm thanh róc rách và trong”12. Đây cũng là cách phổ biến để người nông dân Philippines kiểm tra một trái Macapuno đặc ruột hay không13. Vậy thì, trước khi già (hay chín), trái dừa Sáp phát triển theo quy trình tự nhiên như bao giống dừa khác, do vậy nếu thu hoạch chỉ để uống nước thì phần cơm và nước dừa không khác các trái dừa thường, nhưng nếu để qua giai đoạn lấy nước thì cơm dừa Sáp sẽ phát triển dày thêm, lấp đầy dần phần ruột với lớp mềm và dẻo, trong khi cơm dừa thường sẽ rắn lại. Thật ra, cách nhận diện dừa Sáp thông qua hành động lắc và lắng nghe âm thanh của trái dừa cũng mang tính may rủi, hên xui đối với phần đông người mua không có kinh nghiệm. Rất khó để những người mua này biết chắc chắn độ Sáp dày hay mỏng của trái dừa, độ mềm và dẻo của phần cơm dừa, do vậy phần nào gây trở ngại trong hoạt động mua bán dừa Sáp của bà con nông dân.
Về đặc điểm di truyền, theo ông Thạch Em, trước đây việc nhân giống cây dừa Sáp chỉ được thực hiện trên những trái dừa không cho sáp, bởi lẽ trái dừa có sáp sẽ không có phôi để nhân giống. Điều này cũng được khẳng định trong đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học Kĩ thuật Miền Nam do Ths.Trương Quốc Ánh chủ nhiệm14. Đây là một đặc điểm sinh học khá thú vị và đặc trưng của loại dừa này. Về tỉ lệ sáp, do giống dừa Sáp đặc ruột thụ phấn chéo, thế nên để cây con sau này tiếp tục cho quả Sáp người trồng cần phải trồng cây giống trên vườn có trồng nhiều cây dừa Sáp hoặc trồng tách biệt với các giống dừa khác. Tuy nhiên, từ các vụ thu hoạch thực tế, ông Em cho biết so sánh tỉ lệ sáp giữa những cây dừa trồng ở những mô hình khác nhau thì mức độ chênh lệch không cao. Hiện nay, kế thừa những thành tựu về nuôi cấy phôi dừa Sáp cùa Philippines, các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện nhân giống dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi invitro15 với tỉ lệ cây có trái sáp đạt cao hơn trước rất nhiều, nhưng cũng chỉ khoảng 70% đến 80%, không đạt tối đa 100% sáp. Kể cả những cây có trái sáp và không sáp là sản phẩm trực tiếp của phương pháp này được chọn nhân phôi giống thì tỉ lệ đời sau cho trái sáp cũng xung quanh mức 70% - 80%. Tìm hiểu thêm vấn đề này từ Trung tâm Nghiên cứu Albay của Philippines, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ dừa Sáp đạt được từ kĩ thuật vi nhân giống cũng dao động trong khoảng 80%16 và được xem là một tín hiệu lạc quan trong công tác phát triển giống dừa Sáp tại nước này. Đặc tính không đạt sáp hoàn toàn trong một cây dừa có thể xem là một đặc trưng hiếm có của cây dừa Sáp.
Chúng tôi thắc mắc thêm về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng có tác động hay ảnh hưởng gì đến tỉ lệ sáp của giống dừa đặc ruột này và được ông Thạch Em khẳng định thổ nhưỡng có ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển cũng như thành phần sáp của cây dừa Sáp, điều này đã được kiểm chứng qua nhiều năm. Nếu mang cây dừa Sáp Cầu Kè trồng tại các địa phương khác trong tỉnh thì tỉ lệ sáp và thành phần sáp trong trái dừa có sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, nghĩa là tỉ lệ sáp của trái dừa ít hơn và độ béo của trái giảm đi, trong đó có cả hương vị của chất sáp.
Với những đặc tính riêng biệt - trong đó đặc biệt kén đất hiếm quả, dừa Sáp đã tự khẳng định được vị trí “độc tôn” trong các loại dừa trồng ở Việt Nam, cũng như trong các loại trái cây đặc sản miệt vườn Cầu Kè nói riêng, ở Nam Bộ nói chung.
2.3. Giá trị dừa Sáp trong phát triển kinh tế - văn hóa Trà Vinh
2.3.1. Về kinh tế - xã hội
Như đã trình bày, dừa Sáp có mặt trên đất Trà Vinh từ hơn nửa thế kỉ nay, nhưng mãi đến năm 2005 mới chính thức được công chúng biết đến rộng rãi, trở thành một loại trái cây đặc sản của vùng quê Cầu Kè. Câu chuyện dân gian truyền tai nhau về những trái dừa Sáp buổi đầu ở Cầu Kè giờ trở thành giai thoại, mỗi khi du khách gợi chuyện bà con Cầu Kè vui vẻ kể lại như một kỉ niệm thú vị. Nói thế, bởi trước đây, không nhiều người trong vùng biết được giá trị đặc biệt của loại dừa này. Cứ mỗi lần đến tháng thu hoạch dừa, bà con ngại thu được nhiều trái dừa Sáp vì bán thương lái không mua, nếu có thì mua với giá rẻ bèo, lí do tưởng dừa này bị “trăng ăn”, vì lắc trái không nghe nhiều nước. Thế nên, hầu như nhà nào có cây dừa cho trái đặc ruột, hoặc hái cho con cháu trong nhà ăn chơi, hay làm quà biếu tặng người thân, bạn bè phương xa để giới thiệu loại dừa riêng có ở vùng đất này. Đã có thời gian người nông dân Cầu Kè chặt bỏ những cây dừa Sáp trong vườn vì cho rằng chiếm nhiều diện tích mà lợi ích kinh tế không được gì.
Cầu Kè vốn đã nổi tiếng gần xa với lễ Vu Lan Thắng Hội17 được tổ chức hằng năm vào nửa cuối tháng 7 âm lịch, quan trọng nhất là các ngày 25 đến 28/7 (Âl) tại Vạn Niên Phong Cung của người Hoa. Khoảng năm 2000 trở lại đây, khách phương xa đổ về Cầu Kè trẩy hội ngày càng đông, con số lên đến hơn 10 nghìn lượt người mỗi năm. Dịp này là cơ hội tốt để bà con nhà vườn đua nhau giới thiệu các loại trái cây đặc sản Cầu Kè như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, chuối táo quạ,… Những nhà dân trong vùng có trồng dừa Sáp cũng tranh thủ mang dừa Sáp ra bán cho khách tham quan như một hình thức tận thu. Nhiều sạp bán đã nhanh ý chế biến cơm dừa đặc ruột thành những thức uống như dừa Sáp dầm sữa, sinh tố dừa Sáp với hương vị độc đáo lôi cuốn thực khách phương xa. Tiếng lành đồn xa, mỗi khi đến dịp hành hương về Cầu Kè dự lễ Vu Lan, du khách “rỉ tai” rủ nhau mua trái dừa đặc ruột độc đáo của vùng này. Cứ thế, dừa Sáp từng bước chinh phục khách hàng dù giá thành tăng dần theo năm tháng, trở thành một sản phẩm mang lại thu nhập đáng kể cho nhà vườn.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân, ngụ tại ấp Chông Nô1, xã Hòa Tân, được bà con trồng dừa Sáp trân trọng nhắc đến như là người đã công lao quảng bá dừa Sáp một cách bài bản đến cộng đồng. Năm 2005, ông tiên phong đưa trái dừa Sáp đi triển lãm, giới thiệu ở các hội chợ trái cây trong khu vực, từ đó trái dừa Sáp chính thức được đông đảo người dân gần xa biết đến như một trái cây đặc sản của Cầu Kè. Với đặc tính sinh học đặc biệt, “kén đất hiếm quả”, cùng với sức hút mạnh mẽ bởi những món ăn thức uống hương vị “là lạ” từ cơm dừa đặc ruột, dừa Sáp nhanh chóng được biết đến như một đặc sản riêng có ở vùng Cầu Kè - Trà Vinh. Muốn thưởng thức, mua biếu tặng hay tìm hiểu, nghiên cứu, khách thập phương phải chịu khó lặn lội đến tận nơi đây.
Tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường diễn ra thường xuyên, do “cầu nhiều hơn cung”, đã đẩy giá dừa Sáp có khi lên đến trên dưới 250.000đ 1 trái18, đắt hơn giá một trái dừa thường gần 30 lần. Tại Philippines, giá cũng đắt gấp 8 đến 10 lần trái dừa thường nhưng hầu như các siêu thị chỉ cung cấp sản phẩm đạt khoảng 30 – 40% nhu cầu của thị trường.19
Ông Thạch Em tâm sự, cách đây 10 năm, khi trái dừa Sáp bắt đầu được chú ý thu mua, giá mua tại gốc khoảng 40 ngàn/1 trái; thời điểm hiện nay dao động khoảng 80 đến 100 ngàn/1 trái tại gốc. Nhưng giá dừa Sáp đến tay người mua tại các sạp, quầy hay đại lí, do thương lái nâng giá, có thể dao động từ 120 đến 250 ngàn/1 trái20. Thử làm một phép so sánh đơn giản, một trái dừa Sáp Cầu Kè nặng khoảng1kg - 1.4kg có giá khoảng 200 ngàn, trong khi hầu như không có loại trái cây Việt Nam nào có cùng trọng lượng đạt giá bán tương đương như thế. Trong niềm vui phấn khởi, nhiều bà con nông dân Cầu Kè gọi dừa Sáp là “vua” trái cây. Thực tế cho thấy, giá trị kinh tế cây dừa Sáp mang lại rất rõ, “nhiều gia đình nông dân vốn đất vườn chỉ có 1.000 - 2.000m², nay nhờ trồng được vài chục gốc Dừa cho trái sáp đã dần thoát được cảnh nghèo”21.
Nhận ra giá trị đặc biệt của trái dừa Sáp, năm 2004, nông dân Thạch Phu My, ngụ tại Ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tiên phong thực hiện ươm giống dừa Sáp theo phương pháp truyền thống trồng tại địa phương, bước đầu đạt được một số kết quả nhưng tỉ lệ buồng cho trái sáp vẫn dừng lại ở khoảng 20 – 25%. Với mục đích tạo ra một thế hệ Dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng Dừa sáp của nông dân, năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Ðồng Gò (Bến Tre) nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp, làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa. Anh Thạch Phu My cũng chính là người tiên phong hợp tác cùng các kĩ sư nhân giống theo kĩ thuật mới nhằm tạo ra những cây dừa Sáp - Dứa mang nét đặc thù của hai vùng đất Trà Vinh - Bến Tre. Đến năm 2008, với sự hỗ trợ về kĩ thuật và một phần chi phí mua giống của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu, tỉnh Trà Vinh đầu tư mô hình trồng dừa Sáp với tổng diện tích 50ha, trong đó đầu tư thành lập Hợp tác xã Dừa Sáp Hòa Tân - Hợp tác xã Dừa Sáp đầu tiên trong cả nước - với số lượng 20 hội viên, diện tích trồng là 18ha, Chủ nhiệm là Thạch Phu My. Các hộ tham gia đã được cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa Sáp. Ông Thạch Em lộ rõ niềm vui khi chia sẻ câu chuyện tham gia Hợp tác xã trồng dừa theo phương pháp khoa học (VietGAP) và đạt được hiệu quả rõ rệt với vườn dừa Sáp trồng xen cây chanh không hạt. Chanh bắt đầu vào mùa thu hoạch, trong khi dừa Sáp cũng đã cho trái ở những buồng đầu tiên với tỉ lệ sáp khá cao, trên 75%.
ThS.Trương Quốc Ánh đã làm bài toán tính hiệu quả kinh tế do cây dừa Sáp trồng bằng phương pháp nuôi cấy phôi mang lại như sau:
Giá trị dừa sáp rất cao so với dừa thường, dừa thường giá thành hiện nay là 5.000 đồng/trái22 so với dừa sáp là 140.000 đồng/trái, giá trị gấp 28 lần so với dừa thường mà vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Do đó, ứng dụng nuôi cấy phôi làm tăng tỷ lệ quả sáp/buồng >75% so với truyền thống 25%, sẽ tăng quả sáp từ 25 quả đến 75 quả/cây/năm. Giá trị kinh tế trên mỗi cây/năm:
25 trái x 140.000đ = 3.500.000đ (truyền thống)
75 trái x 140.000đ = 10.500.000đ (cấy phôi)23
Rất rõ, những vườn dừa Sáp chuyên canh đạt năng suất và hiệu quả kinh tế đang dần thay thế vườn dừa lưỡng canh trước kia đã góp phần thiết thực tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Trường hợp ông Thạch Em, anh Thạch Phu My và rất nhiều hộ nông dân trồng dừa Sáp trong vùng Cầu Kè dần ổn định cuộc sống và có phần sung túc hơn nhờ vào cây dừa Sáp không còn là chuyện lạ, kì tích ở Cầu Kè nữa.
Nhìn từ góc độ xã hội, chuyện cây dừa Sáp Cầu Kè không chỉ dừng lại ở việc tăng thu nhập của người dân, hay góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương, mà còn đem lại rất nhiều lợi ích quan trọng khác đối với cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng. Hơn 80% nông dân tham gia các dự án trồng dừa Sáp tại Cầu Kè là đồng bào dân tộc Khmer, do vậy cây dừa Sáp phát triển sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng người Khmer trong vùng an tâm sản xuất, tăng cường kinh nghiệm cũng như kiến thức và kĩ thuật nhân phôi, trồng và chăm sóc cây dừa; từ đó thúc đẩy các vấn đề về giáo dục, văn hóa cùng phát triển. Đồng thời, đây cũng là cơ hội phát huy tình đoàn kết dân tộc, tính gắn kết cộng đồng thông qua hợp tác xã, liên doanh hay đơn giản các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học và nông dân, giữa những người nông dân với nhau.
Cây dừa Sáp Cầu Kè còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Tại Cầu Kè, nông dân trồng dừa Sáp chủ yếu thu lợi từ bán dừa nguyên trái hoặc tham gia nhân phôi giống để bán dừa giống cho những người có nhu cầu trong cả nước. Trong khi đó, như những cây dừa thường, thân dừa, lá dừa, rễ dừa, vỏ trái dừa, gáo trái dừa, xơ trái dừa, củ hủ dừa, nhựa của cây dừa Sáp đều có giá trị sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Quan trọng hơn, cơm dừa Sáp, trước hết là nguyên liệu có giá trị trong chế biến các loại thực phẩm như: thạch dừa, kẹo dừa, mứt dừa, kem dừa, sinh tố dừa,…; bên cạnh đó, với hàm lượng dầu cao (60,98 % DW), chứa các axit lauric (40.94 %), axit myristic (11.29 %)23 có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tim, chống lão hóa, giúp làm đẹp da, đẹp tóc cho chị em phụ nữ. Theo Tiến sĩ Erlinda P. Rillo, Cục Quản lí Dừa Philippines, cơm dừa Sáp có chứa thành phần dinh dưỡng đặc biệt với hàm lượng cao galactomanan24 so với trái dừa thường, do vậy cần nghiên cứu ứng dụng loại dừa đặc biệt này trong công nghiệp dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc cơ thể.25 Thực tế, Trung tâm Nghiên cứu Albay đã tiến hành nghiên cứu cơm dừa Sáp để tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực mỹ phẩm như: sữa dưỡng da, sữa tắm, dầu gội đầu, keo dưỡng tóc,…26
Tham khảo thông tin trên, chúng tôi cho rằng, việc phát triển kinh tế bền vững gắn với vườn dừa Sáp của bà con ở huyện Cầu Kè cần hướng tới đầu tư xây dựng ngành công nghiệp dừa Sáp tại tỉnh Trà Vinh, đẩy mạnh nghiên cứu đặc tính sinh học của cơm dừa Sáp để ứng dụng vào các ngành công nghệ thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, tạo nên những sản phẩm đặc thù, riêng có tại Trà Vinh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
2.3.2. Về văn hóa - du lịch
Trước hết, có thể nói, dừa Sáp được ưa chuộng tại Việt Nam bởi hương vị độc đáo, “lạ miệng” của cơm và nước dừa Sáp. Cơm dừa dày nhưng mềm và dẻo, nước dừa sền sệt, có mùi hương rất đặc trưng, tích hợp nhiều chất dinh dưỡng có giá trị đã làm nên văn hóa ẩm thực dừa Sáp đa dạng, phong phú. Tại Philippines, dừa Sáp - Macapuno được chế biến thành nhiều món ăn tươi và đóng hộp, trong đó giới trẻ đặc biệt thích món halo-halo có Macapuno (tương tự sinh tố trái cây), hoặc kem hay kẹo chế biến từ dừa Sáp; còn với các bà nội trợ Philippines thì lọ Macapuno string (một dạng xi-rô dừa Sáp) luôn hiện diện trong bếp nấu. Ở Indonesia, Macapuno là một nguyên liệu quan trọng trong chế biến bánh puto rất được ưa thích (giống bánh bò hấp ở Việt Nam).
Tại Việt Nam, hầu như dừa Sáp được dùng ở dạng trái tươi, thưởng thức từng muỗng cơm dừa nguyên chất tươi. Chúng tôi cho rằng có thể do giá một trái dừa Sáp quá đắt, thêm nữa thực khách cũng muốn một lần nếm thử vị ngòn ngọt, deo dẻo, vừa thơm vừa béo của cơm dừa Sáp nguyên tươi. Do vậy, cách thưởng thức dừa Sáp thông dụng là ăn theo kiểu phong trần, bổ đôi trái ra, cắt miếng vỏ cứng của trái làm "muỗng", múc từng miếng cơm dừa xôm xốp trộn lẫn nước dừa sền sệt. Nếu bỏ công thêm, nạo từng muỗng cơm có trộn lẫn nước cho vào ly, thêm sữa, nhúm đậu phộng rang, chút đường và đá bào tạo thành ly dừa Sáp dầm sữa, mùi hương nước dừa và sữa hòa quyện vị béo, bùi của cơm dừa, đậu phộng khiến thực khách ăn “phát ghiền”. Kỳ công hơn, thực khách làm món sinh tố dừa Sáp bằng cách nạo cơm dừa cho vào máy quay sinh tố, có sữa, có đường, có nước đá, ly sinh tố dừa sáp vừa béo, bùi, thơm, ngọt, mát lạnh tạo nên vị ngon lạ thường. Một số bà nội trợ chịu khó xắt cơm dừa sáp thành từng miếng vuông, làm nguyên liệu cho nồi chè thưng hay chè bạch quả, mang lại hương vị mới cho món chè quen thuộc.
Ngày 24/01/2013, trái dừa Sáp của xã Hòa Tân – huyện Cầu Kè được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa; được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam công nhận là 01 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam và chính thức trở thành thương hiệu độc quyền trên toàn quốc. Từ đó, dừa Sáp góp phần xây dựng thương hiệu Trà Vinh trên bản đồ văn hóa - du lịch Việt Nam. “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”, nhưng nói đến dừa Sáp nhất định phải gắn với Trà Vinh hoặc Cầu Kè - Trà Vinh. Vốn vùng đất Trà Vinh đã đi vào lòng khách thập phương với câu hát “Biển Ba Động nước xanh cát trắng. Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây”. Cùng hai thắng cảnh trên, Trà Vinh còn nổi tiếng với những ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, những món ăn gắn với ẩm thực của người Khmer như: bún nước lèo, cốm dẹp, mắm prohóc,… Tuy nhiên, trải qua thời gian khá dài, du lịch Trà Vinh không có nhiều thay đổi, với ngần ấy cảnh cũ, món cũ và những câu chuyện cũ. Dừa Sáp xuất hiện góp phần làm “hồi sinh” ngành du lịch ở vùng đất Trà Vinh.
Dừa Sáp Cầu Kè, từ giai thoại xuất xứ đến quá trình sinh trưởng và phổ biến đến công chúng gần như gắn liền với cộng đồng người Khmer Nam Bộ và Phật giáo Nam tông. Đó là câu chuyện vị Sư Thạch Miêl mang giống về trồng đầu tiên tại một chùa Khmer xứ Cầu Kè và từ đó phổ biến đến bà con Khmer trong phum sóc xung quanh chùa; là hình ảnh anh Thạch Phu My như một người đầu tàu, tiên phong trong nhân giống, bảo tồn và phát triển loại dừa đặc biệt này, là con số gần 80% hộ nông dân Khmer tham gia vào dự án trồng dừa Sáp tại xã Hòa Tân - huyện Cầu Kè27. Câu chuyện dừa Sáp Cầu Kè được truyền tai nhau qua những vị khách vãng lai, những lượt khách hành hương mùa lễ Vu Lan Thắng Hội ít nhiều gắn với hình ảnh người nông dân Khmer Nam Bộ chân chất, cần cù; với hình ảnh ngôi chùa cổ Khmer ẩn mình trong khung cảnh tĩnh mịch; làm nhịp cầu nối kết du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của người Khmer Trà Vinh. Có thể nói, trước khi chính thức được công nhận thương hiệu trái cây độc quyền ở Việt Nam, dừa Sáp Trà Vinh gắn bó lâu năm với nhà vườn Khmer Cầu Kè, là cây “hồi sinh” của người nông dân Khmer Cầu Kè, góp phần tăng cường sự gắn kết cộng đồng, giao lưu văn hóa giữa các tộc người cùng sinh sống trên đất Trà Vinh cũng như cả nước thông qua trao đổi mua bán, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá du lịch,…
Song song đó, như đã giới thiệu, huyện Cầu Kè nổi tiếng trong vùng với những vườn cây trĩu quả, từ lâu đã thu hút đông khách đến tham quan, thưởng thức vào mùa trái chín.28 Cầu Kè cũng là nơi nổi tiếng với những lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc Kinh, Hoa và Khmer. Trong đó, lễ Vu Lan Thắng Hội hằng năm của cộng đồng người Hoa thu hút hàng ngàn lượt người tham dự. Cũng vào mùa lễ này cách đây khoảng 10 năm trái dừa Sáp bắt đầu được giới thiệu rộng rãi đến khách hành hương, trẩy hội. Do vậy, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa hay du lịch tâm linh ở vùng đất này khá dồi dào.
Thiết nghĩ, với cơ sở sẵn có là vùng chuyên canh cây dừa Sáp tại xã Hòa Tân, có thể thiết kế mô hình du lịch sinh thái nhà vườn dừa Sáp như mô hình làng Bưởi Tân Triều - Đồng Nai, kết hợp quảng bá ẩm thực dừa Sáp với các sản phẩm độc quyền như thực phẩm đóng hộp: kẹo dừa, rượu dừa, xi-rô dừa,… đến các món ăn tươi: dừa dầm sữa, sinh tố dừa, gỏi củ hủ dừa,… hay các sản phẩm mỹ nghệ làm từ các bộ phận của cây dừa; với tham quan vườn dừa, chia sẻ kinh nghiệm nhân giống dừa và cả bán dừa giống cho du khách có nhu cầu. Về lâu dài, cần thiết đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu dừa Sáp Cầu Kè - Trung tâm duy nhất trong cả nước nghiên cứu và ứng dụng dừa Sáp, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu nhân giống và tinh chế dừa Sáp trong các lĩnh vực: thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Khi ấy, mô hình du lịch sinh thái mở rộng, gắn kết với tham quan dây chuyền sản xuất, trung tâm phôi giống,… hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Song song đó, cần gắn kết dừa Sáp với tiềm năng du lịch địa phương như: thăm vườn trái cây, tham quan chùa Khmer, viếng mộ chị Nguyễn Thị Út (Út Tịch) và trẩy hội Vu lan, nên chăng Cầu Kè nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch sinh thái - tâm linh, tiếp tục phát huy thế mạnh về sinh thái nhà vườn gắn kết với du lịch tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Cùng với cơ hội tìm hiểu và thưởng thức dừa Sáp Cầu Kè, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi len lỏi trong các nhà vườn bằng xuồng ba lá, thưởng thức những đặc sản cây trái của bà con miệt vườn, hay bún nước lèo thơm lừng mắm pro‘hoc của người Khmer Trà Vinh; đồng thời có cơ hội để chiêm nghiệm, suy ngẫm trong không gian u tịch của chùa Khmer; ngưỡng vọng tâm linh với hóa thân của các “xác Ông” trong lễ Vu Lan Thắng Hội của người Hoa.
3. Kết luận
Những hàng dừa Sáp nằm dọc theo luống vườn với những buồng sum suê quả tại Hợp tác xã Dừa Sáp Hòa Tân hứa hẹn sẽ còn mang đến cho người nông dân Cầu Kè, và cư dân vùng đất Trà Vinh những “kì tích”. Tuy nhiên, hướng phát triển cây dừa Sáp bền vững trong tương lai rất cần thêm những công trình nghiên cứu khoa học từ các Viện, Trường, những đầu tư kĩ thuật, cơ sở vật chất từ Nhà nước, và sự hợp tác, chuyên nghiệp của người trồng. Không xa, nhu cầu thưởng thức trái dừa Sáp tươi của khách hàng sẽ bão hòa, do vậy cần sớm đầu tư xây dựng những giải pháp thiết thực phát triển cây dừa Sáp bền vững, hướng tới các lĩnh vực công nghệ và du lịch nhằm quảng bá và thu hút các đối tượng quan tâm trong và ngoài nước: du khách, nhà đầu tư, nhà khoa học,…
LIÊN HỆ MUA DỪA SÁP CHÚNG TÔI:
Liên hệ với chúng tôi để tận hưởng dịch vụ từ Đại lý Dừa Sáp Miền Tây mang lại!
------------------------------------------------------------------------------------------
HotLine : 093.819.2595
HotLine : 093.819.2595
Email : duasapsaigon@gmail.com
Không có nhận xét nào